Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang – Chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và độc đáo
Chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, một cái tên gợi lên sự tôn nghiêm, trang nghiêm và những giá trị văn hóa độc đáo. Ngôi chùa cổ này không chỉ là một chốn tâm linh thanh tịnh mà còn là một di sản kiến trúc quý báu, chứng nhân cho dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam.
1. Tìm hiểu về chùa Vĩnh Nghiêm
1.1. Vị trí địa lý chùa Vĩnh Nghiêm
Địa chỉ Chùa Vĩnh Nghiêm: nằm tại xã Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang
Bắc Giang là mảnh đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với lịch sử lâu đời, nhiều làng nghề truyền thống độc đáo, các lễ hội đậm đà tính nhân văn, cùng nhiều sản vật ngon nổi tiếng. Nhưng nhắc đến Bắc Giang, đến Tây Yên Tử không thể không nói đến vẻ đẹp văn hóa tâm linh của nơi đây, đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm, nơi được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
Ghé thăm chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: sưu tầm)
Chùa Vĩnh Nghiêm hay còn gọi là chùa Đức La, xưa thuộc thôn Đức La, tổng Trí Yên, Phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Ngày nay chùa thuộc địa phận hành chính của thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa nằm cạnh ngã ba Phượng Nhãn, nơi dòng sông Thương gặp sông Lục Nam cùng đổ xuôi về Lục Đầu Giang lịch sử, bên kia sông là đền Kiếp Bạc.
Danh lam cổ tự tại Bắc Giang (Ảnh: sưu tầm)
Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi có vị trí cảnh quan đẹp, đúng thế đất phong thủy của người xưa “đầu gối sơn, chân đạp thủy”. Chùa tọa lạc trên đồi con Quy, rộng chừng hơn 1ha, lưng tựa vào dãy núi Cô Tiên, ở giữa cánh đồng lộng gió, phía Đông Bắc có núi Hổ Phục, phía Nam là một dải núi có tên Tuấn Mã, phong cảnh nơi đây thật hùng vĩ, tráng lệ, uy nghiêm và tĩnh tọa.
1.2. Lịch sử hình thành và phát triển
Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang có một lịch sử lâu đời, góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển của Phật giáo tại Việt Nam. Lịch sử của chùa có nguồn gốc từ thế kỷ XI, thời kỳ đầu của triều đại Lý. Lúc đó, chùa có tên là chùa Đức La. Tuy nhiên, mãi đến cuối thế kỷ XIII, dưới triều đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1010-1028), chùa mới thực sự nổi tiếng và được mọi người chú ý tới.
Di tích chùa Đức La (Ảnh: sưu tầm)
Thời điểm đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã quyết định mở rộng và xây dựng lại chùa Đức La, biến nó thành một trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần. Trong quá trình này, chùa được đổi tên thành Chùa Vĩnh Nghiêm. Đây cũng là thời kỳ mà Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một trong những nhánh quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm ra đời và phát triển mạnh mẽ tại chùa Vĩnh Nghiêm. Thiền sư Trúc Lâm Hạo Kiện đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào Thiền Trúc Lâm tại đây.
Chốn thiêng liêng yên bình (Ảnh: sưu tầm)
Sau này có một số vị sư từ Bắc vào Sài Gòn đã cho xây dựng một ngôi chùa Vĩnh nghiêm thứ hai tại số 339, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một ngôi chùa rất nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện, ngôi chùa này còn nổi tiếng hơn cả ngôi chùa gốc – chùa Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
2. Hành trình đến với chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm – ngôi chùa cổ kính và nổi tiếng với giá trị lịch sử, văn hóa, và tôn giáo. Chùa cách trung tâm Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông Bắc. Vị trí thuận lợi của chùa giúp du khách dễ dàng di chuyển từ các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, hay Lạng Sơn.
Di chuyển bằng phương tiện cá nhân (Ảnh: sưu tầm)
Từ Hà Nội, có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân. Lộ trình phổ biến là đi theo quốc lộ 1A hướng Bắc Ninh, sau đó rẽ vào quốc lộ 37 theo biển chỉ dẫn đến huyện Yên Dũng. Từ trung tâm huyện, tiếp tục đi thêm khoảng 10 km để tới xã Trí Yên, nơi chùa tọa lạc. Với phương tiện cá nhân, thời gian di chuyển trung bình khoảng 2 giờ. Đây là cách di chuyển thuận tiện nếu bạn yêu thích tự do khám phá cảnh sắc trên đường đi.
Ngoài ra, nếu bạn không có phương tiện cá nhân, xe khách cũng là một lựa chọn hợp lý. Bạn có thể bắt xe tại các bến xe lớn ở Hà Nội như Gia Lâm hoặc Mỹ Đình để đi thành phố Bắc Giang. Giá vé xe khách dao động từ 70.000 – 100.000 VNĐ, và thời gian di chuyển mất khoảng 1,5 – 2 giờ. Từ thành phố Bắc Giang, bạn có thể thuê taxi, xe ôm hoặc sử dụng dịch vụ xe công nghệ để đến chùa Vĩnh Nghiêm, với chi phí taxi khoảng 150.000 – 200.000 VNĐ.
3. Kiến trúc độc đáo của chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa tiêu biểu về kiến trúc cổ điển và độc đáo tại Việt Nam. Với tổng diện tích khoảng 1 ha, chùa thể hiện sự cân xứng và hài hòa trong lối kiến trúc của mình. Chùa Vĩnh Nghiêm bao gồm 5 tổ hợp kiến trúc chính là Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, gác chuông và Nhà Tổ đệ nhị. Mỗi tổ hợp này được xây dựng với mục đích và chức năng riêng biệt trong nghi lễ tôn giáo và cuộc sống hàng ngày của các phật tử.
Nét kiến trúc của chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: sưu tầm)
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng theo lối kiến trúc chùa tháp truyền thống của Việt Nam. Điều này bao gồm sự cân đối và quy chuẩn trong việc xây dựng các công trình, với các mái chùa cong và các tòa nhà có hình dáng đặc trưng.
3.1. Cổng Tam quan
Tam quan chùa Vĩnh Nghiêm xây theo kiểu chồng diêm gồm 01 gian, 02 chái với 02 tầng 08 mái đao cong. Bờ nóc xây gạch phủ áo vữa, giữa đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải xây gạch trát vữa, khúc nguỷnh tạo hình nghê chầu, bờ guột xây gạch phủ vữa nối các đầu đao cong.
(Ảnh: sưu tầm)
3.2. Tòa Tam bảo
Kiến trúc kiểu chữ công với thiết kế khang trang nối tàu bẩy, đao lá, mái 4 đao, 8 kèo, kiểu con chồng thượng tam, hạ tứ. Bộ khung kết cấu với những cây cột chịu lực có đường kính và chiều cao khá lớn đã cho thấy quy mô của tòa nhà này cũng như sự tài khéo trong kỹ thuật xử lý các mộng, chốt, liên kết gỗ của người thợ dân gian xưa và phần nào khẳng định tính ưu việt của kiến trúc gỗ dân gian truyền thống.
Vẻ đẹp uy nghiêm của chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: sưu tầm)
Đáng chú ý về mặt kiến trúc ở tòa Tam bảo là vẫn giữ được nền nhà bằng đất nện, nơi tàng trữ nguồn sinh lực vô tận của mẹ Đất. Bên ngoài chùa trang trí đắp nổi hình cuốn thư trong đề ba chữ “Vĩnh Nghiêm tự” được trổ theo thể chữ triện, trang trí hồi văn hoa lá chạy đường diềm bao quanh. Trong ba nếp chùa đều có cửa võng, chạm khắc hoa lá, chim muông, họa tiết tinh tế mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
3.3. Nhà Tổ đệ nhất
Cũng làm theo kiểu chữ công nhưng thấp và nhỏ hơn, mang những nét đặc trưng kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Đó là các mảng chạm khắc đề tài vân mây, lá lật có đuôi dài uốn sóng, nét to mập. Năm 2002, trong đợt tu bổ Nhà Tổ đệ nhất đã tìm thấy chân tảng hoa sen thời Trần.
(Ảnh: sưu tầm)
3.4. Gác chuông
Gác chuông cao 02 tầng 08 mái có kiến trúc thượng thu, hạ thách mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tầng trên có sàn gỗ, giữa treo một quả chuông lớn được đúc năm Minh Mệnh thứ 11 (1830). Nhìn chung, đây là một công trình có kiến trúc đẹp với đao tàu kẻ góc và sự kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ và gạch ngói. Mặc dù Gác chuông chùa Vĩnh Nghiêm có diện tích kiến trúc nhỏ nhất nhưng lại có chiều cao cao nhất, trội hẳn lên so với các công trình kiến trúc khác.
Gác chuông chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: sưu tầm)
3.5. Nhà Tổ đệ nhị
Có kiến trúc hình chữ nhị, gồm 11 gian Bái đường chạy song song với 3 gian hậu cung, nối với nhau bởi một máng xối là khoảng chảy của mái sau tòa Bái đường với giọt chảy mái trước tòa hậu cung. Đây là một kết cấu kép thường gặp trong nhiều di tích nhằm mở rộng hơn khoảng không gian kiến trúc lòng nhà.
(Ảnh: sưu tầm)
Hệ thống tượng Phật chùa Vĩnh Nghiêm tương đối hoàn chỉnh về hình thức, vị trí, thứ bậc, chức năng… và đều là những tác phẩm điêu khắc đẹp trong kho tàng tượng Phật ở Việt Nam. Điêu khắc tượng tròn ở chùa Vĩnh Nghiêm chiếm một vị trí đặc biệt về giá trị mỹ thuật tiêu biểu của thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Hệ thống tượng Phật rất lớn về số lượng, phong phú về thế dáng, tỷ lệ, đa dạng về hình thái biểu cảm. Nghệ thuật điêu khắc chuẩn mực về tỷ lệ tả chân theo lối ước lệ của tượng Phật.
4. Đến chùa Vĩnh Nghiêm chiêm ngưỡng các mộc bản có từ ngàn xưa
Một giá trị khác của chùa Vĩnh Nghiêm là bộ ván khắc kinh vẫn được gọi là Mộc thư cũng có niên đại tới 700 năm. Những bản ván in kinh tinh xảo là hiện vật chứng minh chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm. Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh: “Kho mộc thư vẫn còn lưu giữ 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản 2 mặt, mỗi mặt 2 trang sách âm bản chứa khoảng 2000 chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó có những bản khắc đặc biệt quý như Khóa Hư Lục, Kinh Hoa Nghiêm…”.
Ngắm nhìn Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: sưu tầm)
“Mộc thư khố” được lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính của chùa. Đây là kho sách bằng gỗ có tổng số hơn 3.000 bản, trong đó hầu hết là kinh, sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký…) được khắc bản cách đây trên dưới 200 năm.
Di sản tư liệu thế giới (Ảnh: sưu tầm)
Theo dòng lạc khoảnh khắc ở bài tựa và dòng lạc khoản cuối các cuốn kinh thì kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm phần nhiều được khắc in dưới triều các vua Tự Đức, Thành Thái nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX), một số ít được khắc dưới triều vua Cảnh Hưng, nhà Lê (nửa cuối thế kỷ XVIII ). Căn cứ vào bản “Tâm thượng ngư vĩ” của mộc bản thấy rằng: kho mộc bản có hơn ba chục đầu kinh, sách các loại, trong đó quá nửa là mộc bản khắc bộ Hoa Nghiêm kinh, còn lại là Di Đà kinh, Quan Thế âm kinh, Tì Kheo ni giới kinh, Khai thánh chân kinh… và các sách, luật nhà Phật.
Kho sách cổ có nhiều bộ ván kinh quý giá (Ảnh: sưu tầm)
Các mộc bản này đều bằng chất liệu gỗ cây thị, có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo từng kinh sách. Bộ “Yên Tử nhật trình” có niên đại cuối thế kỷ XVI, là bộ ván in cổ nhất của kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm, có kích thước 1,8×0,3 m là bộ lớn nhất, trong khi bộ “Dấu chấn” kích thước 0,25×0,17m là cuốn nhỏ nhất.
Từ những ván khắc đó, người xưa phủ mực in lên trên rồi in và đóng sách theo khuôn mẫu với đủ “biên lan”, “bản tâm”, “ngư vĩ”, “thiên đầu, địa cước”. “Biên lan” có khung viền lề trang sách là một đường chỉ to và một đường chỉ nhỏ. “Bản tâm” cho biết tên sách, thứ tự trang sách. Thượng hạ Bản tâm có “Ngư vĩ” (đuôi cá) theo kiểu song “Ngư vĩ”. Tả hữu, thượng hạ “Biên lan” có “Thiên đầu – Địa cước”. “Biên lan” có khung viền 4 lề trang sách, gồm 1 đường chỉ to và 1 đường chỉ nhỏ (người xưa gọi là Văn vũ Biên lan). Tả hữu, thượng hạ “Biên lan” có “Thiên đầu – Địa cước” rộng chừng 2,5 cm. Nhiều trang được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức minh hoạ, đường nét tài hoa tinh tế, nét chữ bay bổng, siêu thoát, bố cục chặt chẽ hài hoà, xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ trứ danh của mọi thời đại.
Chữ trong mộc bản thể hiện sự tinh tế của văn hóa Việt Nam(Ảnh: sưu tầm)
Để bảo vệ kho mộc thư độc đáo này, chùa Vĩnh Nghiêm và Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Bắc Giang đang phối hợp để in kho sách ra giấy gió, đánh số bản mộc và dịch nghĩa. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, giờ đây kho “Mộc thư khố” này được coi như là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, trong phiên họp chiều 16/5/2012 tại Bangkok (Thái Lan) Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
5. Ngắm nhìn nghệ thuật điêu khắc tượng Phật độc đáo
Bên cạnh kho ván kinh, sách nhà Phật vô cùng quý báu, chùa Vĩnh Nghiêm còn có một bộ sưu tập điêu khắc lớn, bao gồm tượng Phật, tượng chân dung mà niên đại đã được khẳng định rõ ràng vào thời Nguyễn – như bia chùa đã nói tới. Toàn bộ tượng Phật được bày ở khối kiến trúc thứ nhất gồm chùa Hộ, Thiêu Hương và chùa Phật.
Chốn tổ của Phật Giáo Việt Nam (Ảnh: sưu tầm)
Tượng ở chùa bao gồm tượng Thiên Vương vận võ phục tượng trưng cho tướng nhà Phật, động chúa Mẫu và hai pho tượng Hộ Pháp, bên tả là khuyến thiện, bên hữu là trừng ác. Hai pho tượng này có quy mô lớn, đầu tượng gần chạm nóc chùa. Bên cạnh hai pho Hộ Pháp là tượng Long thần và Địa tạng. Gian giữa chùa Hộ nhìn thẳng vào toà Thiêu Hương có tấm hoành phi lớn đề bốn chữ: A di đà Phật. Nhà Thiêu Hương được trang trí lộng lẫy nhất trong 3 nếp chùa. Bên trên cửa võng đều có hoành phi đề chữ lớn, lần lượt từ ngoài vào: “Tam giới Đại Sư”, “Pháp Vượng Vô Thượng”, “A Di Đà”.
(Ảnh: sưu tầm)
Ngoài tượng Phật, chùa Vĩnh Nghiêm còn có một số tượng chân dung tiêu biểu như tượng Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang trong đó đáng chú ý là tượng tổ đệ nhất Trần Nhân Tông ngồi ở tư thế “Tham thiền nhập định”. Sư tổ có gương mặt bầu, đầy đặn, đôi mắt dài và đẹp, cặp lông mày thanh mảnh, môi đỏ. Người tạc như có ý nhấn mạnh: dẫu có quy y nhưng ông vua này không mất đi những nét quý phái của người trần tục trên gương mặt. Sư tổ mình vận áo cà sa phủ kín, hai tay đặt trên đùi bàn tay trái úp, tay phải lần tràng hạt.
Chiêm ngưỡng tượng Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: sưu tầm)
Pho tượng Trần Nhân Tông mặc dù hoàn toàn có tính chất tượng trưng nhưng nhờ “tạo dáng” tương đối tốt, gương mặt có cá tính, đặc biệt là thỏa mãn được điều muốn biểu đạt về đặc tính khổ luyện của nhân vật đã tạo nên một tác phẩm rất đáng quan tâm ở chùa Vĩnh Nghiêm.
(Ảnh: sưu tầm)
Từ ngày khởi đạo đến nay, đã có biết bao thế hệ tăng sư trụ trì tại ngôi chùa nổi tiếng này. Rất tiếc đến nay vẫn chưa có danh sách đầy đủ về những lớp người đó. Tấm bia ở chùa Vĩnh Nghiêm chỉ giúp ta biết được một số Hòa thượng và nhà sư trong những năm tháng ở đây đã có công lao giữ gìn công trình kiến trúc này và không ngừng tô đẹp cho cảnh chùa…
6. Tham dự lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm 14 tháng 2 âm lịch
Chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang là một điểm đến tôn nghiêm và đáng trải nghiệm cho bạn trong chuyến hành trình trở về một trong những nơi quan trọng nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Đặc biệt, nếu bạn có cơ hội đến đây vào dịp lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm diễn ra vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm, bạn sẽ được tham gia vào một trải nghiệm tâm linh và văn hóa tuyệt vời.
Lễ giỗ Tổ và khai hội chùa Vĩnh Nghiêm năm Giáp Thìn 2024 (Ảnh: sưu tầm)
Lễ hội này vừa là một sự kiện tôn nghiêm vừa là một ngày hội sôi động, quy tụ nhiều hoạt động văn hóa và giải trí thu hút đông đảo phật tử, tăng ni và cả khách du lịch gần xa. Các hoạt động truyền thống như lễ rước kiệu của ba làng La Thượng, La Trung và La Hạ, việc chuẩn bị các mâm cỗ tại từng làng đều tạo nên không khí sôi động và phấn khích.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia (Ảnh: sưu tầm)
Ngày giỗ của các vị trụ trì thuộc hàng tổ thứ hai của chùa như tổ Trần Như và tổ Thích Thanh Hanh cũng được tổ chức vào thời điểm này. Đặc biệt, những chàng trai, cô gái tài năng ưu tú sẽ được chọn lựa từ các gia đình chuẩn mực để tham gia vào việc khiêng kiệu và các trò chơi dân gian truyền thống như đánh đu, kéo co, vật dân tộc và nhiều trò chơi thú vị khác.
(Ảnh: sưu tầm)
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là một sự kiện tôn nghiêm mà còn là một ngày hội văn hóa, thể thao mà bạn không nên bỏ lỡ. Sự kiện này là điểm nhấn thú vị trên chuyến hành trình viếng thăm cổ tự Vĩnh Nghiêm, nơi giao thoa giữa các giá trị tôn giáo và văn hóa dân tộc một cách sâu sắc.
Lễ hội tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn (Ảnh: sưu tầm)
Chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, là một ngôi chùa cổ rất quan trọng. Nơi đây có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, phù hợp cho những ai muốn tìm hiểu về chùa Việt Nam. Ngôi chùa này có kiến trúc cổ và không gian thanh tịnh. Với kiến trúc cổ và không gian yên tĩnh, chùa Vĩnh Nghiêm là một điểm đến thú vị ở Bắc Giang