Miền BắcTrong nước

Đường Lâm, cổ trấn bị lãng quên giữa lòng Hà Nội

Làng cổ Đường Lâm được ví như một “cổ trấn” yên bình bị lãng quên với vẻ đẹp cổ kính sẵn sàng hạ gục bất cứ trái tim nào đang tìm kiếm sự thanh tịnh sau nhiều căng thẳng và mệt mỏi.

Nơi đây hiện còn lưu giữ rất nhiều ngôi nhà đậm chất kiến trúc xưa với những con đường gạch, cây đa, bến nước, sân đình, những bức tường đá ong cùng những nét văn hóa của làng quê vùng Bắc Bộ.

Làng cổ Đường Lâm nằm ở huyện Sơn Tây là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”.

Cổng làng Mông Phụ

Cổng làng Mông Phụ là cổng cổ duy nhất còn lại cho đến ngày nay tại Đường Lâm. Cổng làng được xây dựng dưới thời Hậu Lê, có nét kiến trúc khác biệt so với các cổng làng truyền thống. Hình thù tựa như một ngôi nhà hai mái dốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc theo kiểu “thượng gia hạ môn” (trên là nhà, dưới là cổng). Cổng Mông Phụ với cây đa, bến nước, ao sen đã tạo nên một khung cảnh đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa.

ảnh sưu tầm

Những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng thế kỉ

Nếu ở Trung Quốc làng cổ Tây Đệ và Hoành Thôn nổi tiếng với những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi. Thì Đường Lâm cũng có tới hàng nghìn mái nhà truyền thống với ngôi nhà lâu đời nhất lên tới 400 năm tuổi. Làng cổ Đường Lâm hiện nay có 956 ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1649, 1703, 1850… Những ngôi nhà cổ được xây bằng đá ong với mái ngói đỏ, gỗ xoan, đất nung đã nhuốm màu rêu phong có kiến trúc 3 gian, 5 gian, 7 gian được người dân ở đây gìn giữ hàng thế kỉ qua.


Điểm dừng chân để lại nhiều ấn tượng cho du khách nhất chính là nhà cổ Bà Điền. Ngay khi vừa bước vào, một lối kiến trúc cổ xưa đã hiện ra ngay trước mắt. Ngôi nhà này đã có tuổi đời 200 năm. Ở sân nhà, bà cụ năm nay đã 94 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn là cháu của bà Điền đã ngồi ngay đó để có thể tiếp đón, trò chuyện và chia sẻ về những giá trị lịch sử của ngôi nhà cho du khách muốn tìm hiểu về ngôi nhà này.

Nhà cổ ông Thể – Ngôi nhà cổ có truyền thống làm tương

ảnh sưu tầm

Tọa lạc tại xóm Xui, ngôi nhà của ông Thể gồm 7 gian được gắn kết theo lối cổ truyền. Căn nhà được xây dựng hoàn toàn dùng mộng, không sử dụng đinh sắt. Ngôi nhà nay đã trải qua 14 đời sinh sống ở đây và đặc biệt nổi tiếng với nghề làm tương. Ngay khi bước chân vào sân nhà, đã có một mùi tương rất thơm phảng phất, cùng với đó là những chum tương được xếp san sát nhau ở sân. Ở gian nhà ngang phía xa là những dụng cụ để xay ngô cùng với những khóm ngô được treo lên thanh ngang hệt như ngôi nhà trên vùng núi Bắc Bộ. Ngoài ra cũng có rất nhiều chum đựng rượu truyền thống và những loại rượu hạ thổ đã rất lâu đời rồi.

Đình làng Mông Phụ – Dấu ấn Việt-Mường

Đình làng Mông Phụ đã có cách đây 380 năm trên một khu đất trung tâm của làng. Thiết kế của đình mang đậm dấu ấn của kiến trúc Việt – Mường, đình được xây bằng gỗ, bên trong đình còn lưu lại những bức chạm cốn và đầu dư được chạm khắc rất tinh tế. Sàn đình được làm bằng gỗ cách mặt đất vài tấc mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn của người dân tộc. Sân đình có một ngã sáu khổng lồ là nơi quy tụ những con đường trong làng.

ảnh sưu tầm

Đình gồm hai tòa đại bá và hậu cung. Nhà đại bái được dựng bởi 48 cột gỗ, phía trên mỗi cột đều có trạm khắc nhiều hoa văn hình rồng, hình phượng. Phía bên trong đình có treo rất nhiều hoành phi câu đối. Nổi bật nhất là bức hoành phi “lão long huấn tử” tức rồng già dạy con và bức hoành phi “dũng cảm cả tưởng” do vua Thành Thái ban tặng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc về kiến trúc và văn hóa, hấp dẫn du khách.

ảnh sưu tầm

Giếng cổ Đường Lâm, Lăng và đền thờ Ngô Quyền

Như ngày trước, giếng làng là nơi người dân lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Các giếng cổ ở làng đều được đặt ở nơi cao, thoáng mát, gần đình, chùa hoặc trung tâm của xóm.Ngô Quyền là vị vua thứ 2 sinh ra ở làng Đường Lâm. Quần thể đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng tại một vị trí đẹp nhất trên đồi Cấm, phía trước là một cánh đồng lúa rộng và vũng Hùm chảy ra sông Tích. Đền thờ gồm có nơi thờ tự, đại bái, hậu cung, nhà bia. Đền có quy mô khá khiêm tốn được xây bằng gạch và lợp ngói đỏ. Bên trong đền là phòng trưng bày các hiện vật gắn liền với cuộc đời của Ngô Quyền. Ở phía dưới, cách đền khoảng 100m là lăng vua Ngô xây theo hình 4 mái trên bệ cao, có tường bao quanh.

ảnh sưu tầm

Nhà thờ giáo họ Mông Phụ

Nổi bật giữa hàng trăm ngôi nhà cổ chính là nhà thờ giáo họ Mông Phụ. Ngôi nhà thờ mới hơn so với những ngôi nhà cổ thuần Việt, nét đạo chưa thể sánh với nét cổ đi cùng năm tháng của Đường Lâm nhưng khi nói về lịch sử công giáo ở Việt Nam thì Mông Phụ quả thực đáng được khen ngợi. Có thể chính do cái cổ của Đường Lâm đã làm nên cái cổ của họ Đạo này.

Nguồn: chudu24.com

Thích Lang Thang

Thích khám phá du lịch, thích đi lang thang đây đó để hiểu thêm về văn hóa của từng vùng miền. Khi lang thang xong rồi lại muốn chia sẻ những nơi đã lang thang và biết đến với mọi người.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button