Pù Luông Thanh Hóa – điểm đến thiên nhiên nổi tiếng
Nằm ở giáp ranh biên giới Việt – Lào, Pù Luông Thanh Hóa được ví như thiên đường giữa đại ngàn. Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học mà Pù Luông còn là bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi có những thửa ruộng bậc thang trải dài, bản làng nhỏ bình yên và con đường quanh co ẩn hiện trong mây mù.
1. Pù Luông ở đâu Thanh Hóa?
Pù Luông đang là một trong những điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Thanh Hóa. Nơi đây thực chất là khu bảo tồn thiên nhiên thuộc địa phận huyện Quan Hóa và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa. Pù Luông cách trung tâm thành phố khoảng 130km về phía Tây Bắc và cách Hà Nội khoảng 160km.
Diện tích của Pù Luông khoảng 17.662 ha, bao gồm nhiều loại địa hình khác nhau như: suối thác, rừng rậm, núi non, hang động, xen lẫn cả ruộng bậc thang và các bản làng nhỏ. Đây là nơi sinh sống của động đồng người dân tộc Mường, Thái. Pù Luông theo tiếng Thái nghĩa là đỉnh cao nhất của ngôi làng.
2. Kinh nghiệm đi Pù Luông Thanh Hóa tự túc
Dắt túi những kinh nghiệm hữu ích dưới đây sẽ giúp bạn có hành trình khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trọn vẹn!
2.1. Đi Pù Luông mùa nào đẹp?
Tháng 5 đến tháng 10 là thời điểm lý tưởng nhất để ghé Pù Luông. Vào đầu mùa hạ, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 6, Pù Luông khoác lên mình tấm áo xanh mơn mởn của màu mạ non. Lúc này, những thửa ruộng bậc thang bắt đầu vụ lúa mới, tựa như những dải lụa xanh mềm mại trải dài trên sườn đồi, mang đến cảm giác bình yên, thư thái.
Đến độ tháng 9, tháng 10, Pù Luông vào mùa lúa chín. Cả một vùng núi cao được nhuộm vàng bởi những cánh đồng lúa bạt ngàn. Ánh nắng vàng chiếu rọi xuống những thửa ruộng bậc thang tạo nên vẻ đẹp trù phú, mơ mộng. Thời tiết Pù Luông vào độ này cũng mát mẻ, cực thích hợp cho các hoạt động khám phá ngoài trời của du khách.
2.2. Cách di chuyển
Nằm ở giữa tứ giác hành trình vàng Hà Nội – Mai Châu – Pù Luông – Ninh Bình – Hạ Long, cách Hà Nội khoảng 160km, du khách có thể đến Pù Luông Thanh Hóa bằng nhiều phương tiện khác như: xe máy, xe khách hoặc ô tô tự lái. Nhìn chung đường đi khá thuận lợi, bạn có thể tra Google Maps để được chỉ dẫn.
Xuất phát từ Hà Nội, du khách có thể chạy xe theo đường Hồ Chí Minh, qua Cúc Phương, Cẩm Thủy, sau đó đi theo hướng cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Ngoài ra, còn một cung đường khác là di chuyển theo quốc lộ 6 qua Mai Châu, Hòa Bình rồi theo quốc lộ 15 C đến Co Luong, Đông Điểng là đến khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
2.3. Lưu trú ở đâu?
Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hiện nay tại Pù Luông có nhiều nhà nghỉ, homestay và resort. Nếu thích nghỉ dưỡng sang chảnh, bạn có thể đặt phòng tại các resort cao cấp, tiện nghi như: Pu Luong Tree House, Ciel del Puluong, Pu Luong Hillside Lodge… với mức giá dao động từ 300.000 đến hơn 1.000.000 VNĐ/đêm.
Còn nếu yêu thích thiên nhiên, thích khám phá về văn hóa của người dân bản địa, du khách có thể lựa chọn nghỉ tại homestay nhà sàn, nhà nghỉ tại bản Kịt, bản Kho Mường, bản Hiêu… Mức giá phòng ở đây chỉ khoảng 100.000 VNĐ/đêm nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tiện nghi.
2.4. Du lịch Pù Luông cần chuẩn bị gì?
Nếu bạn đang lên kế hoạch cho chuyến đi đến Pù Luông Thanh Hóa, đừng quên thêm vào vali những món đồ dưới đây để có hành trình khám phá trọn vẹn:
- Thuốc chống vắt; Thuốc chống muỗi và các loại thuốc chống côn trùng;
- Kem chống nắng, mũ, nón, kính;
- Giày thể thao đi bộ hoặc giày leo núi. Nên chọn đôi giày vừa chân, thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt;
- Nước, một số đồ ăn vặt để tiếp năng lượng trong suốt hành trình;
- Mang theo áo mưa hoặc ô;
- Dép có quai hoặc dép tổ ong;
- Pù Luông có nhiều thác lớn nhỏ, do đó bạn có thể mang theo quần áo bơi để thỏa thích bơi lội;
3. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có gì chơi?
Pù Luông là một trong những địa điểm du lịch Thanh Hóa nổi bật và thu hút đông đảo du khách nhất hiện nay. Khu bảo tồn thiên nhiên này không chỉ có những thửa ruộng bậc thang trải dài hay các bản làng chìm trong sương mù mà còn có nhiều hoạt động, trải nghiệm hấp dẫn. Hãy cùng khám phá xem thiên đường giữa đại ngàn này có gì mà khiến du khách đã đặt chân đến là không nỡ về!
3.1. Hòa mình vào bức tranh thiên nhiên thơ mộng
Đặt chân đến Pù Luông, bạn sẽ ngỡ như mình đang lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Vào buổi sớm mai, từng đám mây lững lờ trôi, bao phủ khắp các thung lũng, ngọn đồi. Chỉ cần vươn tay nhẹ, bạn sẽ có cảm giác mình đang chạm tay tới mây trời.
Để khám phá hết vẻ đẹp của Pù Luông, không gì tuyệt vời hơn là được tự mình đi bộ trên những con đường mòn ven ruộng. Men theo những con đường nhỏ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa xanh mướt, những ngôi nhà sàn truyền thống hay nương sắn, nương ngô xanh mướt. Không khí trong lành, thơm mùi cỏ cây, hoa lá sẽ giúp bạn thư giãn và quên đi mọi muộn phiền.
3.2. Tận hưởng nhịp sống thanh bình ở 3 bản Son Bá Mười
Son – Bá – Mười là 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao, nơi đây được nhiều người ví von là Sapa thu nhỏ bởi khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, công thêm đường lên bản khá khó khăn, do đó Son – Bá – Mười gần như tách biệt với các bản làng dưới chân núi.
Tuy nhiên, chính sự tự nhiên, hoang sơ này lại khiến Son Bá Mười trở thành địa điểm yêu thích của các tín đồ mê du lịch mạo hiểm. Vượt qua những con dốc cao khúc khuỷu, đặt chân đến đây, du khách sẽ được tận hưởng cuộc sống thanh bình với những ngôi nhà sàn truyền thống và tìm hiểu phong tục của người Thái cổ.
3.3. Khám phá bản Hiêu – Thác Hiêu
Đến với Pù Luông, du khách nhất định phải khám phá bản Hiêu – ngôi bản nhỏ với hơn một trăm nóc nhà nằm rải rác dọc hai bên bờ suối. Từng nóc nhà sàn đan xen với các ghềnh thác tạo nên khung cảnh suối thác – nhà sàn đẹp tựa bức tranh thủy mặc.
Bản Hiêu còn nổi tiếng với dòng thác Hiêu có làn nước trong và mạnh, chảy thành nhiều tầng tung bọt trắng xóa. Theo người dân ở đây, thác Hiêu luôn có màu trong xanh quanh năm, chảy không bao giờ cạn, nước ấm áp về mùa đông, mát lạnh về mùa hè. Cuối thác là những hồ nước nhỏ thỏa thích cho du khách vùng vẫy, tắm mát.
3.4. Trải nghiệm lênh đênh trên sông ở khu Làng Tôm & suối Chàm
Khu Làng Tôm và Suối Chàm cách thác Hiêu khoảng 11km. Nơi đây nổi tiếng với những cọn nước khổng lồ. Đến với khu Làng Tôm, Suối Chàm, du khách đừng quên trải nghiệm lênh đênh trên những bè tre để ngắm khung cảnh sông nước, núi rừng.
Bè tre được làm hoàn toàn thủ công, đây là phương tiện để người Thái đi lại và đánh bắt cá trên sông. Trên quãng đường dần 1km, du khách sẽ được lênh đênh giữa dòng suối Chàm, ngắm nhìn những cánh đồng ven sông và vạt núi rừng chạy hun hút xa tầm mắt.
3.5. Check in cùng ruộng bậc thang Pù Luông
Có thể nói rằng, “đặc sản” của Pù Luông chính là những thửa ruộng bậc thang trải dài, chạy tít tắp. Đây cũng là background lý tưởng để du khách thỏa thích chụp ảnh và mang về những bức hình sống ảo nghìn like. Bản Đôn, bản Hiêu, bản Ươi… là những bản ở Pù Luông sở hữu nhiều ruộng bậc thang nhất.
Hai thời điểm đẹp nhất để check in cùng ruộng bậc thang là tháng 5, tháng 6 – lúc vụ lúa mới bắt đầu và tháng 9, tháng 10 khi vụ lúa vào mùa thu hoạch. Vào độ tháng 5, tháng 6, những thửa ruộng bậc thang khoác lên mình chiếc áo xanh mướt vô cùng đẹp mặt. Còn đến độ tháng 9, tháng 10, các khu ruộng bên sườn đồi được nhuộm màu vàng rực rỡ. Đây cũng là thời điểm thu hút nhiều du khách ghé Pù Luông nhất.
3.6. Cắm trại, săn mây trên đỉnh Pù Luông
Nếu yêu thích khám phá và mạo hiểm, có lẽ việc chinh phục đỉnh Pù Luông với độ cao 1.700m so với mực nước biển là trải nghiệm thú vị mà bạn không thể bỏ qua. Đường lên núi khá dốc với nhiều đoạn quanh co, hiểm trở. Bạn sẽ mất khoảng 7 – 8 tiếng mới có thể leo lên đến đỉnh.
Tuy nhiên, khi đã chinh phục đỉnh Pù Luông, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi phong cảnh núi rừng bao la. Từ trên cao, bạn có thể thu vào tầm mắt những cánh đồng bạt ngàn, những mái nhà sàn nằm lấp ló trong thung lũng dưới chân núi. Đỉnh Pù Luông cũng là tọa độ cực lý tưởng để du khách có thể săn mây hay trải nghiệm cắm trại qua đêm.
3.7. Ghé thăm bản Đôn
Bản Đôn được mệnh danh là “thủ phủ” du lịch của Pù Luông. Thời điểm tháng 5, 6, 9 và tháng 10 nếu ghé ngôi bản này, du khách sẽ được check in với những thửa ruộng bậc thang trải dài mênh mông. Ngoài ruộng bậc thang hay những ngôi nhà sàn nằm ven chân đồi, khi đến với bản Đôn, du khách còn được trải nghiệm dệt vải cùng đồng bào dân tộc Thái. Cùng với đó là thưởng thức nhiều đặc sản hấp dẫn như: lợn rừng, vịt, măng rừng, gà đồi, ngọn su su…
3.8. Tham quan bản Kho Mường
Trên hành trình chinh phục đỉnh Pù Luông, du khách sẽ đi qua một thung lũng rất đỗi mộc mạc, nguyên sơ mang tên Kho Mường. Đường vào bản khúc khuỷu ngoằn ngoèo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu với những thửa ruộng bậc thang và cánh rừng ngút ngàn. Đến với bản Kho Mường, du khách sẽ được tìm hiểu về phong tục tập quán của đồng bào người Thái và thưởng thức những món ăn truyền thống mang đậm hương vị núi rừng như: canh đắng, cơm lam, rượu ngô, kiệu muối chua…
3.9. Chiêm ngưỡng Hang Dơi
Điểm nhấn đặc biệt của bản Kho Mường chính là Hang Dơi hay còn được gọi là hang Kho Mường. Lối vào hang là con đường đất gồ ghề, cheo leo được phủ kín bởi cây rừng. Trong hang là những khối đá vôi sừng sững với tuổi đời lên đến hàng triệu năm. Sở dĩ, hang Kho Mường còn được gọi là hang Dơi vì đây là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi. Càng đi sâu vào hang, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều nhũ đá, khối đá với những hình thù độc đáo, đủ các sắc màu.
3.10. Tìm hiểu bản Ươi – bản Lặn
Bản Ươi – bản Lặn cũng là một trong những địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Pù Luông Thanh Hóa. Hai bản nhỏ nằm sát nhau với những rừng cọ lúp xúp mọc trên dãy núi đá vôi. Dưới chân bản là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Người dân ở bản Ươi, bản Lặn chủ yếu sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm.
3.11. Mua sắm tại chợ phiên Phố Đoàn
Đến Pù Luông vào thứ 5 hay chủ nhật hàng tuần, bạn nhất định phải ghé chợ phiên Phố Đoàn hay còn được gọi là chợ phiên Phố Đòn. Đây là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Mường ở các xã quanh vùng. Chợ mang nét đặc trưng của những phiên chợ vùng cao với các mặt hàng tự cung tự cấp như: hoa quả tươi, côn trùng, các loại rau rừng, rượu cần, thổ cẩm…
4. Ăn gì ở khu du lịch sinh thái Pù Luông?
Hiện nay tại Pù Luông các dịch vụ du lịch chưa phát triển nhiều nên không có nhiều nhà hàng, quán ăn. Du khách đến đây chủ yếu đặt cơm tại nhà nghỉ, homestay hoặc resort mà mình lưu trú. Tùy theo số lượng thành viên trong đoàn mà người dân sẽ chuẩn bị các món ăn.
Thông thường, các loại thịt, cá được bày ra mâm trên khay lá, kèm theo xôi nếp hoặc cơm. Một số món ăn đặc sản tại Pù Luông mà du khách không thể bỏ qua như: vịt quay Cổ Lũng bản Hiêu; cá suối nướng; măng đắng; canh lá đắng; rượu cần; lợn rừng quay; gà đồi; ốc đá; cơm lam; nộm hoa chuối… Đặc trưng của ẩm thực Pù Luông là các món nướng với gia vị mang hương vị núi rừng.
5. Đặc sản Pù Luông làm quà
Du lịch Pù Luông nếu chưa biết mua gì về làm quà cho người thân, bạn bè thì bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Hạt mắc khén, hạt dổi: Hai loại hạt gia vị này được mệnh danh là “vàng đen” của Pù Luông. Hạt dổi và hạt mắc khén được người dân bản địa leo lên những cây cổ thụ để hái về, chúng được dùng để chấm với các món luộc, món nướng hoặc cho vào phở.
- Cây thảo dược: Pù Luông nổi tiếng với nhiều cây thảo dược như: cây máu Hổ, cà gai leo, xạ đen, chè đắng… Đây đều là những thảo dược quý, tốt cho sức khỏe, thích hợp làm quà cho người thân, bạn bè.
- Đồ thổ cẩm: Du khách có thể mua các đồ thổ cẩm của người Thái như: váy, khăn, gối… tại chợ phiên Phố Đoàn để mang về làm quà.
- Gạo nếp nương: Loại gạo này nổi tiếng với độ dẻo và thơm ngon, cực kỳ thích hợp để mua về làm quà.
- Trà quýt và quýt: Trà quýt và quýt Pù Luông có hương vị thơm, dễ chịu. Đây là quà tặng lý tưởng cho những ai yêu thích thưởng trà.
6. Chi phí đi Pù Luông bao nhiêu tiền?
Nhìn chung chi phí đi Pù Luông Thanh Hóa sẽ có sự chênh lệch tùy theo nhu cầu đi lại cũng như sở thích ăn uống, mua sắm của mỗi người. Dưới đây là tổng hợp một số chi phí đi Pù Luông dành cho du khách xuất phát từ Hà Nội mà bạn có thể tham khảo:
- Di chuyển: Giá vé xe khách từ Hà Nội đến Pù Luông khoảng 400.000 VNĐ/người/vé xe khách khứ hồi. Chi phí thuê xe máy di chuyển tại Pù Luông khoảng 100.000 VNĐ/ngày;
- Lưu trú: Chi phí lưu trú tại Resort khoảng 350.000 VNĐ/đêm; Chi phí lưu trú tại homestay khoảng 150.000 VNĐ/người/đêm.
- Ăn uống: Chi phí ăn uống khoảng 200.000 VNĐ/người/ngày
- Chi phí khác: Chi phí mua sắm, tham quan khoảng 150.000 – 300.000 VNĐ/người.
***Lưu ý: Chi phí du lịch Pù Luông trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy theo nhu cầu của mỗi du khách mà chi phí có thể thay đổi.
7. Một số lưu ý cần nắm khi đi Pù Luông ở Thanh Hóa
Để có chuyến khám phá Lù Luông thuận lợi bạn cần lưu ý các vấn đề sau:
- Khi di chuyển trong các khu vực hẻo lánh của Pù Luông, bạn nên tìm hiểu và mang theo bản đồ vùng địa phương, đừng tin tưởng hoàn toàn vào Google Maps bởi đôi khi ứng dụng này có thể chỉ đường sai.
- Các quán ăn, nhà hàng tại Pù Luông khá ít, do đó bạn nên đặt trước đồ ăn tại homestay, nhà nghỉ hoặc resort mà mình lưu trú.
- Tháng 9, tháng 10 vào mùa lúa chín là thời điểm du khách ghé Pù Luông rất đông. Do đó bạn nên chủ động đặt trước phòng nghỉ tại homestay, resort để tránh tình trạng “cháy phòng”.
- Đường di chuyển đến khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông khá xa, do đó du khách nên sắp xếp lịch trình. Tốt nhất nên đến sớm từ tối hôm trước để có thời gian nghỉ ngơi trước khi bắt đầu hành trình khám phá các địa điểm vui chơi tại đây.