Thác Bản Giốc – kiệt tác thiên nhiên hùng vĩ của non nước Cao Bằng
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp vừa yên bình, dịu dàng, vừa hùng vĩ và tráng lệ, thác Bản Giốc chính là niềm tự hào của người dân Cao Bằng. Thác Bản Giốc cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng, điểm check-in vàng của bất cứ ai khi đến với Cao Bằng.
Không sở hữu những kiến trúc nhân tạo hoành tráng hay dịch vụ trải nghiệm mới lạ, thác Bản Giốc vẫn khiến du khách xiêu lòng bởi vẻ đẹp nguyên sơ nhất, cùng không khí trong lành và không gian yên tĩnh để được lắng nghe tường tận âm thanh của núi rừng, suối nguồn. Còn ngần ngại gì nữa mà không thể một lần đến với niềm tự hào của miền Bắc Tổ quốc này.
1. Đôi nét về thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc là thác nước hùng vĩ nổi tiếng thuộc xã Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 100km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 400km. Đây là thác nước đẹp nhất Đông Nam Á và lớn thứ 4 toàn thế giới. Giữa bốn bể rừng núi, mây trời Đông Bắc, thác Bản Giốc sừng sững hiện ra như một dải lụa trắng ngần giữa bức tranh thiên nhiên đẹp như miền cổ tích ấy.
Toàn cành thác Bản Giốc – Cao Bằng khi nhìn từ trên cao (Ảnh: sưu tầm)
Vốn đã trở thành niềm tự hào chung của người dân Cao Bằng từ lâu, thác Bản Giốc ngày nay đang thu hút một số lượng lớn lượt khách quan trong và ngoài nước đi du lịch Thác Bản Giốc mỗi năm. Thác Bản Giốc chính là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ tạo nên những kiệt tác nghệ thuật hội họa hay những bức ảnh đẹp xuất thần.
Thác Bản Giốc khi nhìn từ trên cao mang vẻ đẹp hùng vĩ hiếm có (Ảnh: PYS Travel)
Toàn cảnh thác cho người ta cảm nhận được sự đơn sơ, hoang dã nhưng lại hoang dại đến choáng ngợp tâm trí. Nước thác lúc cuồn cuộn, lúc lại hiền hòa nhưng chưa bao giờ ngừng chảy.
2. Đến thác Bản Giốc mùa nào đẹp nhất?
Thác Bản Giốc phải nói là hầu như mùa nào cũng đẹp, trừ những mùa nước cạn. Mỗi mùa khác nhau thì Thác Bản Giốc lại mang một vẻ đẹp riêng để bạn chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, bạn có thể đến du lịch thác Bản Giốc vào những thời điểm khác nhau.
Thác Bản Giốc đẹp nhất vào mùa nước về (Ảnh: PYS Travel)
– Khoảng đầu tháng 10 hằng năm, tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức lễ hội thác Bản Giốc. Đây là cơ hội để bạn hòa mình vào những hoạt động lễ hội sôi động của người dân địa phương trong không gian đẹp đẽ của thác Bản Giốc.
– Khoảng từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 là mùa lúa chín ở Trùng Khánh. Bạn sẽ vừa được chiêm ngưỡng ngọn thác Bản Giốc hùng vĩ vừa ngắm nhìn cánh đồng lúa chín vàng.
– Cuối thu, đầu đông là mùa thay lá tại đây. Bạn sẽ được tận hưởng không khí trông như mùa thu ở Châu Âu với sắc đỏ, sắc vàng ngập trời.
3. Cách di chuyển đến thác Bản Giốc
Là một tỉnh miền núi, hệ thống đường sắt và đường hàng không vẫn chưa được phát triển nên du khách chỉ có thể di chuyển đường bộ để đến Cao Bằng.
3.1. Ô tô
Xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, xe khách đi Cao Bằng có khá nhiều lựa chọn, đa dạng về nhà xe, lịch xuất phát, giá dao động từ 200.000 – 300.000 VND/giường với 7 tiếng đi đường. Từ các tỉnh thành phía Nam, du khách sẽ đi máy bay đến Hà Nội sau đó di chuyển bằng xe khách hoặc tự điều khiển phương tiện đến thành phố Cao Bằng. Với mức giá trung bình từ 600.000 – 800.000 VNĐ/chiều, bạn có thể mua vé máy bay của bất kỳ hãng hàng không nào. Sau đó, sẽ bắt xe từ Hà Nội lên Cao Bằng.
(Ảnh: sưu tầm)
Khi đến Cao Bằng thì bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe buýt để đến thác. Di chuyển dễ dàng, giá vé hạt dẻ và tần suất 30 phút/chuyến, sử dụng xe buýt đi thác Bản Giốc ngày càng trở nên phổ biến. Đi từ bến xe Cao Bằng, bạn sẽ bắt xe buýt di chuyển nội tỉnh và dừng chân tại điểm dừng cuối cùng – ngay tại cổng vào của thác.
3.2. Phương tiện cá nhân
Được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, phương án tự điều khiển xe máy hoặc thuê ô tô tự lái đi Cao Bằng ngày càng phổ biến. Bạn sẽ được chủ động lịch trình, tiết kiệm chi phí và hơn cả là tận hưởng cảnh đẹp trên từng cung đường.
(Ảnh: sưu tầm)
Đối với những bạn di chuyển bằng xe máy thì hiện tại có 2 cung đường bạn có thể lựa chọn:
– Cung đường 1: Di chuyển theo cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, sau đó chuyển qua QL14 theo hướng Lạng Sơn đi Cao Bằng.
– Cung đường 2: Đi theo QL13 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn rồi hướng đến Cao Bằng.
(Ảnh: PYS Travel)
Tuy nhiên, các cung đường vùng cao tương đối gập ghềnh và dốc nên bạn hãy lưu ý lái xe cẩn trọng và an toàn nhé.
4. Chơi gì khi đến với thác Bản Giốc?
4.1. Đi thuyền ngắm cảnh thác nước
Đi thuyền ngắm dòng nước chảy xuống là hoạt động nhất định phải thử khi đến với thác Bản Giốc
(Ảnh: PYS Travel)
Đã đến Bản Giốc, bạn đừng chỉ ngắm cảnh thác nước kỳ vĩ này từ bên kia bờ mà hãy trải nghiệm cảm giác kích thích khi đi thuyền đến tận chân thác. Ngồi trên chiếc thuyền máy, bạn sẽ được trực diện ngắm dòng thác chảy xiết từ độ cao hàng chục mét, cảm nhận từng khối nước lớn đổ ầm ĩ xuống mặt sông phẳng lặng. Đây là lúc bạn cảm nhận trọn vẹn sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, sự hoang dại của dòng chảy đối lập với khung cảnh đất trời, cỏ cây yên bình.
4.2. Cắm trại
Cắm trại tại khu vực thác Bản Giốc cũng là một trải nghiệm nên thử (Ảnh: sưu tầm)
Trên đường đến thác Bản Giốc, bạn sẽ tìm được một số khu đất phẳng và rộng rãi để cắm trại hay tổ chức picnic trong ngày. Trải nghiệm cắm trại ngay tại thác Bản Giốc sẽ khiến bạn nhớ mãi về mảnh đất Cao Bằng thân yêu.
(Ảnh: PYS Travel)
Dựng lều trại ngay bên cạnh thác nước, vừa nhâm nhi ly cà phê nóng, tận hưởng khoảnh khắc yên tĩnh hiếm hoi, vừa ngắm thác nước và cây rừng đẹp như mơ; một cuộc đi trốn chỉ cần có thể. Đặc biệt là nếu muốn cắm trại qua đêm, bạn nên liên hệ với các công ty lữ hành hay tour do người bản địa tổ chức để đảm bảo an toàn.
4.3. Check in cột mốc biên giới
(Ảnh: sưu tầm)
Là nơi sở hữu nhiều cột mốc biên giới nhất cả nước, Cao Bằng đã lưu giữ những câu chuyện lịch sử hào hùng cũng như ký ức một thời kỳ ông cha đánh đổi mồ hôi, xương máu vì chủ quyền dân tộc. Đến đây, bạn nhất định phải chụp một bức ảnh tại cột mốc này để lưu lại kỷ niệm cho chuyến đi của mình.
5. Khám phá những điểm đến nổi tiếng quanh thác Bản Giốc
5.1. Chùa Phật Tích Trúc Lâm
Đứng trên chùa Phật Tích Trúc Lâm có thể thu vào tầm mắt trọn vẹn vẻ đẹp Thác Bản Giốc
(Ảnh: PYS Travel)
Chùa Phật Tích Trúc Lâm là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Việt Nam. Chùa được xây dựng với kiến trúc Phật giáo truyền thống của nước ta. Từ nơi đây bạn sẽ có thể thấy được thác Bản Giốc hùng vĩ và thơ mộng.
5.2. Chợ mốc 835
(Ảnh: sưu tầm)
Chợ họp ngay cạnh mốc biên giới và vẫn thường gọi là chợ mốc 53, sau phân giới cắm lại cột mốc mới là mốc 835. Trong chợ có 53 sạp hàng của các tiểu thương Việt Nam, đối diện là chợ của tiểu thương Trung Quốc. Hàng hóa trong chợ khá phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa của 2 nước.
5.3. Làng đá cổ Khuổi Ky
Vẻ đẹp cổ kính của ngôi làng đá cổ Khuổi Ky (Ảnh: PYS Travel)
Khu vực phía Tây Bắc của xã Đàm Thuỷ là những ngôi làng người Tày, người Nùng ở các chân núi quanh vùng đồng ruộng rộng lớn, liền dãy núi đá biên giới với Trung Quốc. Ngôi làng ở nơi giao nhau giữa hai khu vực của xã Đàm Thủy có đoạn cuối cùng của suối Khuổi Ky chảy qua nên làng mang tên con suối này. Làng Khuổi Ky có 100% hộ là dân tộc Tày với phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt, trang phục thuần chất bản địa. Người Khuổi Ky chân tình, mến khách và sẵn sàng ca hát chung vui cùng du khách đến trải nghiệm. Đến làng Khuổi Ky, du khách sẽ cảm nhận được bản sắc văn hóa riêng biệt của người Tày miền Đông Cao Bằng.
5.4. Hồ Bản Viết
Làn nước xanh ngắt của hồ Bản Viết (Ảnh: sưu tầm)
Hồ Bản Viết nằm trong khu vực 2 xóm Bản Viết, Tân Phong, xã Phong Châu. Đây là hồ nước nhân tạo rộng 5 ha, chia làm 4 nhánh và được bao bọc bởi những ngọn núi trùng điệp, thảm thực vật phong phú, đa dạng; thấp thoáng những xóm nhỏ của người Tày, Nùng còn lưu giữ nhiều nét độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bắt đầu được cải tạo từ năm 1967, hồ Bản Viết cung cấp nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương.
5.5. Thác Cò Là
Thác Cò Là là dòng thác nhỏ thường bị lãng quên gần với thác Bản Giốc (Ảnh: sưu tầm)
Từ thị trấn Trùng Khánh đến trung tâm xã Chí Viễn, du khách theo tuyến đường bê tông qua xóm Nà Mu, vượt Nhà máy Thủy điện Thoong Gót khoảng 1km sẽ thấy thấp thoáng những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày xóm Bản Ruộc là đến thác Cò Là. Theo người dân địa phương, thác được đặt tên theo một loại cây có tên “cò là”. Qua hàng nghìn năm kiến tạo của tự nhiên, thác nước chảy có độ cao khoảng 30m tạo thành 3 tầng trông rất đẹp mắt. Giữa mỗi tầng thác có những vũng nước lớn trong xanh.
6. Kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc cần có gì?
(Ảnh: PYS Travel)
– Vì thác Bản Giốc nằm ngay tại khu vực biên giới nên bạn lưu ý mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân để sẵn sàng xuất trình khi được yêu cầu.
– Bạn cần đi bộ và leo trèo khá nhiều để đến Bản Giốc nên hãy ưu tiên trang phục thoải mái, gọn nhẹ; mang giày thể thao đế mềm và chuẩn bị đầy đủ mũ, kem chống nắng, thuốc xịt côn trùng.
– Đề phòng trơn trượt khi vui chơi tại thác. Không tự ý đi sâu vào rừng hay lội nước khi không có hướng dẫn.
Nguồn: https://pystravel.vn